Thierry Henry và chung kết Olympic: Cột mốc tạo dựng lịch sử

Trận chung kết Olympic môn bóng đá nam vào thứ 6 tới có thể là cơ hội vàng để Thierry Henry khẳng định bản thân và tạo nên cột mốc lịch sử cho bóng đá Pháp.

thumb bai TDP

Thần tượng của Thierry Henry là Marco van Basten. Đó là lý do tại sao trong hầu hết 123 lần khoác áo ở đội tuyển quốc gia Pháp, Henry đều sử dụng số áo 12. Việc chọn lựa số áo đó giống như một sự kính trọng đối với người mà anh ấy từng nói là “hiện thân của bóng đá toàn diện”.

Trong thời gian thi đấu chuyên nghiệp, Van Basten xứng đáng đứng vào hàng ngũ của những cầu thủ vĩ đại nhất. Tuy nhiên thời gian ông làm huấn luyện viên lại khá ngắn ngủi và không mấy thành công (phần nào đó bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe). Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm 2020, Van Basten đã thừa nhận rằng bản thân không chỉ đơn thuần là một huấn luyện viên không giỏi mà còn khẳng định công việc huấn luyện nói chung là một công việc “không tốt cho sức khoẻ” một chút nào. Và sau đó ông đã đưa ra quyết định cho riêng mình là chọn chia tay và dừng lại công việc huấn luyện.

Van Basten không hoàn toàn rơi vào khuôn mẫu quen thuộc của những cầu thủ vĩ đại trên sân cỏ nhưng gặp khó khăn khi làm huấn luyện viên chỉ vì không thể giao tiếp hoặc hiểu được những cầu thủ không có khả năng như ông. Van Basten hiểu vấn đề của mình là không thể đối phó với những thất bại và về cơ bản là ông quyết định rằng công việc huấn luyện đem lại nhiều rắc rối hơn là giá trị nó mang lại. 

Còn với Thierry Henry, với vị thế gần như tương tự khi là một tiền đạo huyền thoại của bóng đá Pháp và thế giới chắc chắn chưa thể đưa ra quyết định như thần tượng của mình. Vào thứ 6 tuần này, Henry sẽ bước vào trận đấu lớn nhất từ trước đến nay trong vai trò huấn luyện viên. Cựu tiền đạo người Pháp sẽ dẫn dắt các học trò của mình đến Parc des Princes và đối đầu với Olympic Tây Ban Nha để cạnh tranh tấm huy chương vàng chung kết môn bóng đá nam Olympic Paris. Trận đấu ngày hôm đó có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cho Henry và cả những điều lớn lao hơn về sau này.

dl

Đây là một sự kiện lớn và quan trọng bởi một số lý do. Thứ nhất, đây là trận tranh huy chương vàng tại Olympic – điều mà đội Olympic Pháp đã không thể chạm tới trong suốt 40 năm vừa qua. Nhưng ngoài danh tiếng của một trận chung kết tại Olympic thì trận đấu chung kết giữa Pháp và Tây Ban Nha còn là dấu mốc khẳng định bản thân. Nếu thành công trong trận đấu này, Henry sẽ chứng tỏ rằng anh không chỉ là một cầu thủ xuất sắc mà còn là một huấn luyện viên tài năng và đáng tin cậy. Trận đấu này có thể được coi như một bước ngoặt trong sự nghiệp huấn luyện của anh, giúp anh khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp.

Trở thành một huấn luyện viên có thể mang lại nhiều căng thẳng và rắc rối, nhưng Henry không cần phải đối mặt với những điều này. Thierry Henry không làm huấn luyện viên vì tiền hay để tăng thêm danh tiếng của bản thân. Công việc ở các nhà đài nổi tiếng trên thế giới đã mang lại cho anh một bản CV quá ổn để làm bất kỳ công việc gì liên quan tới bóng đá. Để nâng cao danh tiếng của bản thân hơn nữa với tư cách là một huấn luyện viên, anh sẽ phải làm điều gì đó thật phi thường. Nhưng có lẽ điều đó là không cần thiết bởi anh đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp trong quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, khác với lựa chọn dừng lại của thần tượng Van Basten, Henry vẫn kiên trì để theo đuổi mục tiêu của mình. “Tôi yêu bóng đá quá nhiều,” – Henry nói trên podcast The Rest Is Football của Gary Lineker để giải thích về động lực của mình. “Tôi cảm giác bản thân mình vẫn còn thiếu thiếu một thứ gì đó. Tôi yêu công việc của mình trên truyền hình, tôi yêu gia đình, tôi yêu các con của mình… nhưng vẫn có cảm giác bị thiếu một thứ gì đó. Tôi không biết điều đó có tồn tại suốt quãng đời còn lại của tôi không… Nhưng tin tôi đi, tôi hài lòng với rất nhiều thứ trong cuộc sống của mình, chỉ là cảm giác có chút gì đó thiếu sót thôi. Vì vậy, tôi đã quay trở lại với bóng đá và thử xem lần này tôi có thể đi xa đến đâu.”

dl

Thật dễ để chúng ta coi thường sự nghiệp huấn luyện của Henry khi nhìn vào các thông số của anh khi bắt đầu với nghiệp cầm quân. Tại AS Monaco, anh chỉ có 4/20 trận thắng trong thời gian mà anh nắm quyền. Và tất nhiên với thành tích tệ hại đó, Henry đã phải rời đội bóng khi AS Monaco đang đứng bên bờ vực phải xuống hạng. Thời gian của anh tại Montreal Impact cũng không khá khẩm hơn là bao: anh tiếp quản đội bóng vào tháng 11 năm 2019 và đại dịch Covid-19 năm đó khiến anh gần như không thể gặp con cái của mình. Những đứa trẻ sống ở London và phải xa cách với bố trong suốt một năm dài. Mặc dù đã giúp Montreal Impact vào tới vòng play-off năm 2020, nhưng Henry đã từ chức vào năm 2021 khi nhận ra rằng những sự hạn chế trong khâu di chuyển tương tự năm 2019 sẽ tiếp tục áp dụng cho mùa giải tiếp theo.

Ngoài ra, Thierry Henry còn có một khoảng thời gian làm huấn luyện viên kiêm trợ lý cho đội trẻ tại Arsenal và 2 lần làm việc với đội tuyển Bỉ: lần đầu là huấn luyện viên tiền đạo và lần thứ hai là trợ lý cho Roberto Martinez. Thierry Henry đã tham gia vào đội ngũ của ban huấn luyện tuyển Bỉ tại World Cup 2018 và 2022.

Tên tuổi của Henry có thể mang lại cho anh nhiều cơ hội hơn, nhưng với bản CV khi làm huấn luyện như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các câu lạc bộ không mấy mặn mà tìm đến anh trong quãng thời gian họ tìm kiếm một huấn luyện viên mới cho CLB của mình.

Ngoài bản CV khi làm huấn luyện viên không mấy đẹp đẽ, những yếu tố như thái độ của Henry đối với sự chỉ trích và cách anh quản lý mối quan hệ với các cầu thủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cản trở sự thăng tiến của anh trong vai trò huấn luyện viên. Thierry Henry đã mắc nhiều sai lầm khi làm huấn luyện viên ở Monaco, đáng chú ý nhất là đoạn video nổi tiếng khi anh khiển trách thủ môn Loic Badiashile vì không đẩy ghế trở lại chỗ cũ sau một buổi họp báo. Có thể đó là nỗ lực của Henry để thiết lập một số kỷ luật, nhưng thực tế, hành động đó khiến anh trông như một người lớn tuổi nghiêm nghị, chỉ tay và đưa ra yêu cầu các cầu thủ trẻ làm mọi thứ theo đúng chuẩn mực và phải có sự tôn trọng với những thứ xung quanh. Một người có tầm vóc và danh tiếng lẫy lừng như Henry không cần thiết phải làm nhục một cầu thủ 20 tuổi trước công chúng như vậy. Hành động này trên thực tế còn không nhận được quá nhiều sự ủng hộ mà còn khiến Henry vướng vào những rắc rối để rồi sau đó anh mất việc tại AS Monaco.

7276016-0-image-a-19_1544520255469

Tài năng và sự xuất sắc của Henry với tư cách là một cầu thủ cũng là con dao hai lưỡi khi anh bước vào nghiệp cầm quân. Mặc dù trên lý thuyết, danh tiếng và những gì đạt được khi làm cầu thủ có thể giúp Henry nhận được sự tôn trọng ngay lập tức khi bước chân vào nghề huấn luyện. Nhưng bản thân anh cũng đã từng nói về những lần trên sân tập khi anh làm mẫu một vài động tác hoặc kỹ thuật nào đó đến mức quá xuất sắc khiến không có ai trong số các học trò của anh muốn thử làm theo.

Tất cả những điều kể trên không có nghĩa Henry chắc chắn là một huấn luyện viên tệ. Eden Hazard đã từng nói về việc Henry đã giúp anh cải thiện khả năng thi đấu của mình như thế nào. Thành công của Henry tại Montreal đã đạt được trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Anh giúp Montreal vào vòng play-off MLS lần đầu tiên sau 4 năm giữa quãng thời gian mà dịch Covid-19 hoành hành và thêm vào đó là sự ra đi của 2 cầu thủ quan trọng ngay trước thềm mùa giải bắt đầu.

Rõ ràng Henry cũng có mối quan hệ tốt với các cầu thủ trong đội Olympic của Pháp vào lúc này và tất nhiên mối quan hệ đó không chỉ vì những điệu nhảy của anh ở phòng thay đồ sau khi lật ngược thế cờ trước Olympic Ai Cập cách đây ít ngày. “Thật vinh dự khi được Henry huấn luyện,” tiền đạo Jean-Philippe Mateta, một trong ba cầu thủ trên 23 tuổi được Henry chọn cho kỳ Olympic diễn ra trên sân nhà cho biết. “Tôi vẫn đang học hỏi từ anh ấy, nhưng bản thân tôi muốn học hỏi nhiều hơn nữa từ một người tài năng như Henry.”

Untitled-1

Nhưng phải lý do khiến Henry nhận công việc này với tư cách là huấn luyện viên đội U21 và Olympic của Pháp, trong đó nhiệm vụ đặc biệt khó khăn sẽ là làm huấn luyện viên của đội Olympic Pháp thi đấu trên sân nhà. Việc EURO 2024 và giải VCK U-19 Châu Âu cùng diễn ra vào mùa hè 2024 khiến Henry chỉ có một nhóm cầu thủ rất hạn chế để lựa chọn cho đội Olympic, tất cả đều phải dưới 23 tuổi ngoại trừ ba cầu thủ được thêm vào. Những hạn chế đó có nghĩa là Henry sẽ không có sự lựa chọn cho những ngôi sao lớn hơn ở độ tuổi dưới 23. Chính vì vậy anh đã chọn Jean-Philippe Mateta, Loic Bade và Alexandre Lacazette. Ngoài Lacazette có được số trận đầy hạn chế trong màu áo của tuyển Pháp trước đây thì 2 cầu thủ còn lại chưa bao giờ được triệu tập lên đội tuyển Pháp. Ngay cả Lacazette thì cũng đã từ rất lâu rồi chưa được lên tuyển thi đấu, lần gần nhất anh ra sân trong màu áo của Les Bleus đã từ năm 2017.

GettyImages-2165507599-1

Mặc dù hành động nhận công việc ở đội U21 và Olympic Pháp của Henry có thể bị coi là một quyết định hơi tuyệt vọng, nhưng thực tế là có một động lực lớn hơn, sâu xa hơn đằng sau quyết định đó.

Thierry Henry có thể đã làm điều đó vì vinh quang của nước Pháp hoặc vì tình cảm sâu đạm đối với lý tưởng Olympic, nhưng có lẽ lý do thực sự mà anh chọn nhận công việc này là vì đây là con đường thuận lợi để có thể vươn tới những thứ lớn lao hơn trong tương lai. Hợp đồng của HLV Didier Deschamps với đội tuyển Pháp kéo dài đến hết World Cup 2026, nhưng thành tích thiếu ấn tượng của đội tuyển Pháp tại Euro 2024 có thể sẽ khiến thượng tầng của bóng đá Pháp suy nghĩ về việc sẽ tạo ra một sự đổi mới. Mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Deschamps sẽ dừng lại khi ông chuẩn bị bước vào năm thứ 13 gắn bó với đội tuyển Pháp, nhưng có vẻ sự kiên nhẫn đã bắt đầu suy giảm sau những thứ diễn ra trên đất Đức ở mùa hè vừa rồi. 

Về mặt lịch sử, việc đưa một quốc gia vào trận chung kết để cạnh tranh huy chương vàng Olympic là một cách khá tốt để giành lấy công việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia về sau này.

Trong số 20 HLV đã đưa đội của mình vào trận chung kết bóng đá nam ở Olympic thì có 7 người khi ấy đang đồng thời nắm luôn ĐTQG, và có 9 người sau đó đã thăng tiến lên dẫn dắt  ĐTQG. Trong số những người còn lại, Horst Hrubesch hiện là huấn luyện viên đội tuyển nữ Đức. Andre Jardine, người giúp Olympic Brazil giành huy chương vàng vào năm 2020, hiện đang dẫn dắt Club America ở Mexico và đã vô địch giải đấu mùa trước. Jair Picerni, người dẫn dắt Brazil năm 1984, đã vô địch giải đấu ở quê nhà với Recife. Người còn lại, Rogerio Micale – người giành huy chương vàng với Olympic Brazil năm 2016 hiện đang là huấn luyện viên đội tuyển Olympic Ai Cập – đội bóng mới đây đã bị Thierry Henry và Olympic Pháp đánh bại ở bán kết.

z5713849823157_18fc9843b82ecc10f76345729ec1a558

Hai ví dụ có lẽ là dễ hình dung nhất để Henry có thể dựa vào chính là trường hợp của HLV Luis de la Fuente – người đã giành huy chương bạc với Tây Ban Nha tại Olympic Tokyo 2020 và tiến lên thay thế cho HLV Luis Enrique vào năm 2022. Kể từ thời điểm đó, vị HLV sinh năm 1961 đã dẫn dắt La Roja đi đến thành công rực rỡ ở Đức vào tháng 7 vừa qua. Còn xa hơn nữa trong quá khứ, HLV Henri Michel, người giành huy chương vàng cùng Olympic Pháp vào năm 1984 đã lên nắm quyền ĐTQG Pháp từ tháng 1/1984 đến tháng 6/1988.

Tóm lại, dù danh sách những HLV đã đưa đất nước của họ đến trận chung kết huy chương vàng Olympic không đầy ắp những cái tên nổi tiếng nhưng đó thường là một bàn đạp khá tốt để một HLV vươn lên vị trí cao hơn.

Thành công của De la Fuente, Gareth Southgate và Lionel Scaloni –  những người đã bắt đầu công việc từ những đội trẻ để rồi vươn lên nắm đội tuyển quốc gia và mang về những thành tích ấn tượng sẽ cung cấp thêm cho các quốc gia căn cứ để tin rằng việc bổ nhiệm HLV từ trong nội bộ có thể mang lại vinh quang về sau này.

Nếu Thierry Henry giành huy chương vàng vào tối nay, đó sẽ là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp huấn luyện của anh cho tới thời điểm này. Nhưng ngay cả khi Pháp thua trước Tây Ban Nha, ‘đứa con của thần gió’ có thể đã chạm tới cơ hội để vươn tới những đỉnh cao lớn hơn trong tương lai.

Theo Nick Miller – NY Times

Chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *